Vụ trộm 116 quả trứng vích: Công an đòi khởi tố, VKS nói không

19/04/24
Vụ trộm hơn 100 quả trứng Vích tại Vườn quốc gia Côn Đảo, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mâu thuẫn trong quan điểm khởi tố hay không khởi tố. Trứng vích là sản phẩm hay mẫu vật đang được tranh cãi.

Trộm 116 quả trứng vích nhưng không bị khởi tố

Chiều 17/6, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo bắt quả tang Phạm Văn Tân (28 tuổi, thường trú tại H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, tạm trú tại khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo) đang vận chuyển 116 quả trứng rùa biển hay còn gọi là vích (tên khoa học Chelonia mydas).

Phạm Văn Tân khai: sáng cùng ngày, Tân thuê đò của K.V.H. đi từ mũi Chim Chim sang bãi Xi Măng thuộc hòn Bảy Cạnh. Tới nơi, Tân lấy trộm trứng, còn H. neo đò chờ ngoài biển. Sau khi lấy trộm được 116 quả trứng vích, Tân và H. quay về mũi Chim Chim. Lúc từ biển lên bờ thì bị kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo bắt giữ.

Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo và Công an huyện Côn Đảo phối hợp điều tra, lấy lời khai của Tân và tiến hành trưng cầu giám định mẫu trứng do Tân lấy trộm.

Kết quả giám định của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho thấy 116 quả trứng là trứng của loài vích có tên khoa học Chelonia mydas.

 

Hơn 100 quả trứng vích được phát hiện khi bị lấy trộm.

Sau khi có kết quả giám định, hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ trộm trứng vích sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Côn Đảo để xử lý theo pháp luật.

Ngày 27/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Côn Đảo ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Tân về hành vi “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

Tuy nhiên, hai lệnh này không được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn vì Viện trưởng Viện KSND huyện Côn Đảo cho rằng không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ án trên vì điều 190 Bộ luật hình sự không quy định “trứng” mà chỉ quy định “động vật”.

Cũng theo ông Tâm, “trứng vích không phải là sản phẩm của vích vì không qua chế biến từ một cá thể vích, trứng cũng được xem là một cá thể hay một bộ phận của cá thể”.

Do đó, không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can được. Trong khi đó, cả đại diện cơ quan điều tra và kiểm lâm đều khẳng định trứng vích là sản phẩm của vích vì do vích đẻ ra.

Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) khẳng định trứng vích là sản phẩm của con vích

Trong Công văn số 538/PLHSHC-HS ngày 9/8/2016 về việc góp ý kiến xác định loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính thuộc Bộ Tư pháp gửi Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, cơ quan này đã giải thích: “Theo quy định tại Điều 3 Luật Thú y năm 2015 (trước đây là Pháp lệnh Thú y) thì trứng của động vật trên cạn hay động vật dưới nước đều là sản phẩm của chúng. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì trứng Vích là sản phẩm của con Vích”.

 

Hình ảnh một con vích.

Đồng quan điểm trên, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách – Pháp luật của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), hành vi vận chuyển, buôn bán sản phẩm, bộ phận của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như vích đều phải ngay lập tức bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật.

Tuy theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, trứng vích là “mẫu vật” của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng rõ ràng trong trường hợp 2 quy phạm pháp luật cùng quy định một vấn đề, văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ được áp dụng.

Vậy nên, trứng Vích phải được coi là sản phẩm của vích như Bộ Tư pháp đã phân tích và các cơ quan chức năng huyện Côn Đảo có đầy đủ căn cứ pháp lý để khởi tố vụ án cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng trộm trứng Vích.

Bà Hà đề xuất: “Viện Kiểm sát nhân dân huyện Côn Đảo nên nhanh chóng phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với đối tượng trộm hơn 100 quả trứng rùa biển. Đó không chỉ là việc làm đúng đắn, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHD, mà còn là hành động kịp thời ngăn chặn những mối đe dọa trực tiếp tới sự phát triển của loài rùa biển nói chung và vích tại Việt Nam.”

Theo tài liệu mà ENV cung cấp, Vích (Chelonia mydas) và các loài rùa biển khác là loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước về việc buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và đồng thời nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Việt Nam, ngang hàng với hổ, voi, tê giác. Dẫu vậy, vì một lý do nào đó, những vi phạm liên quan đến Vích nói riêng và rùa biển nói chung vẫn chưa được xử lý thỏa đáng, dù hậu quả để lại có đặc biệt nghiêm trọng cho loài này và các quy định pháp luật thì đã rõ “như ban ngày”.

 

Đối tượng (ngồi trên xe) bị bắt khi đang trộm trứng vích.

Cuối năm 2014, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 10 tấn rùa biển, tương đương 7.000 cá thể 6 nhà kho ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. So với vi phạm liên quan đến một cá thể hổ hay vài tạ sừng tê, thì với số lượng rùa biển khổng lồ này, các đối tượng vi phạm xứng đáng với khung hình phạt cao nhất theo pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay, gần 2 năm sau khi bị phát hiện, những đối tượng trong vụ việc vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Bà Hà đặt bức xúc: “Đối tượng vận chuyển 1 cá thể hổ đông lạnh hay 31 kg sừng tê thì bị bắt giữ, khởi tố ngay lập tức. Nhưng nếu ăn trộm trứng Vích, mà lẽ ra nếu được nuôi ấp, 80% sẽ nở thành Vích con, hay tệ hơn là giết hại 7000 cá thể rùa biển thì thậm chí còn không bị xem xét xử lý hình sự. Lẽ nào lại còn có “thứ tự ưu tiên” xử lý vi phạm đối với các loài trong danh mục được ưu tiên bảo vệ?”


Theo tài liệu mà ENV cung cấp, Vích (Chelonia mydas) và các loài rùa biển khác là loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước về việc buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và đồng thời nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Việt Nam, ngang hàng với hổ, voi, tê giác. Dẫu vậy, vì một lý do nào đó, những vi phạm liên quan đến Vích nói riêng và rùa biển nói chung vẫn chưa được xử lý thỏa đáng, dù hậu quả để lại có đặc biệt nghiêm trọng cho loài này và các quy định pháp luật thì đã rõ “như ban ngày”.


Nguồn; Báo Người Đưa Tin 24.08.2016 | 15:42 PM